Hang Va là một trong những hang động quý giá nhất trong tất cả các hang động đã được phát hiện tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình, là nơi cư ngụ của những kiến tạo thạch nhũ đẹp và hiếm thấy trên thế giới.
1. Giới thiệu về Hang Va
Hang Va tọa lạc sâu trong Vườn quốc gia, khá gần với hang động lớn nhất thế giới – Hang Sơn Đoòng; các nhà khoa học tin rằng các hang động này đều liên kết với nhau thuộc cùng một hệ sinh thái, hệ thống hang.
Hang Va đã từng biết đến bởi những người dân địa phương nơi đây, trong đó có bao gồm Hồ Khanh, người đã tìm ra hang động lớn nhất thế giới – Hang Sơn Đoòng. Vào năm 2012, ông đã đưa một nhóm chuyên gia hang động người Anh Quốc đến với lối vào của hang. Họ đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi tiếp cận xuống sâu vào hang đến với một dòng suối nhỏ ngay bên trong hang. Đi sâu hơn vào phía hạ lưu, đoàn tìm được một hành lang rất đẹp, nhưng lại chỉ dài khoảng 250m.

2. Khám phá hang Va
Quay trở ra, đoàn hướng lên phía thượng nguồn sông ngầm để khám phá thêm; nhưng thời gian có hạn và hang vẫn chưa khám phá hết; các chuyên gia đã đánh dấu rằng sẽ có một vòm hang lớn hơn ở phía trên…
Lần trở lại, đoàn thám hiểm quyết định chia ra, một nhóm khám phá hang động ở hạ lưu sông ngầm, nhóm khác leo lên khám phá phần cao hơn của hang. Chào đón đoàn chuyên gia khi ở leo lên đến nơi ở tầng cao hơn của hang là một hành lang rộng lớn dẫn đến rất nhiều kiến tạo thạch nhũ đẹp và độc đáo. Có những tháp thạch nhũ cao tới 2m vươn lên khỏi các hồ nước. Không ai trong số các thành viên nhóm thảm hiểm từng thấy bất cứ điều gì như thế này trước đây. Hang động này sau đó đã được khám phá và khảo sát, công nhận có tổng chiều dài là 1,6 km

3. Kiến tạo của Hang Va
Hang Va chính là nơi cư ngụ của những hệ sinh thái, kiến tạo hang động độc đáo bao gồm những thạch nhũ tháp nón, trải dài trên toàn bộ lối đi với một chiều rộng lên đến 85m, biến nơi đây trở thành một trong những hang động đặc biệt nhất thế giới. Có khoảng hơn một trăm nón tháp đá vôi tại đây được hình thành theo một cách bí ẩn nào đó.
Tất cả chúng đều rất dốc, có độ cao vào khoảng 2m. Nhiều nón có phần chóp nằm ở cùng một mực độ cao tương ứng với mực nước trong các hồ bậc thang trước khi bị can khô. Chúng được bao phủ một lớp bùn mềm nhưng chỉ dày khoảng vài milimet từ phần lõi đá vôi. Khi rửa sạch, các nón này để lộ ra cấu trúc thành tạo phức tạp của chúng.
Các nhà khoa học vẫn chưa thực sự khám phá ra sự hình thành của những thạch nhũ tháp nón này có từ đâu; các đặc trưng của chúng được so sánh với các kiểu nón khác đã được ghi nhận trong nhiều hang khác như nón nhũ hay nón phun. Tuy nhiên có nhiều quá trình khác nhau đã tác động để hình thành nên dạng cấu trúc như ngày nay.

- Nón tháp và Nón nhũ
Các nón tháp trong hang mang nhiều đặc trưng của nón nhũ. Các mảng tinh thể đá vôi này ban đầu hình thành một lớp mỏng trên bề mặt các hồ bậc thang trong hang. Chúng chìm xuống bên trong hồ do chính trọng lượng bản thân khi trở nên quá dày, hoặc do các giọt nước nhỏ từ trên trần hang rơi trúng. Các giọt nước nhỏ từ cùng một vị trí làm chìm một số mảng tinh thể, khiến chúng xếp chồng lên nhau trên nền hồ bậc thang thành dạng nón, có thể cao bằng với mực nước trong hồ. Những thành tạo như vậy được gọi là các nón nhũ vì chúng hình thành từ các mảng tinh thế đá vôi theo phương thức nói trên.
Dạng nón có phần cạnh dốc thường được gọi là nón tháp. Hiện tại vẫn chưa thể hiểu rõ vì sao một số nón có dạng tháp rất dốc còn số khác lại có dạng thoải hơn.
Một đặc trưng đáng chú ý của các thạch nhũ tháp nón trong hang, cũng như ở nhiều hang động khác, đó là lớp đá vôi bề mặt có dạng nổi cục, che lấp các cấu trúc còn lại của các tháp đá vôi dạng mảng.
- Tháp đá vôi dạng tù và nón phun
Bề mặt nổi cục và hình dáng dốc của các nón đá vôi trong cấu thành địa chất Hang Va tương tự như các đặc trưng của tháp đá vôi dạng tuf. Chúng hình thành từ các mạch nước nhiệt dịch được nung nóng, bão hòa canxi phun lên trên nền đáy hồ và hình thành dạng kết tủa đá vôi ngầm nhanh chóng. Dạng thành tạo này chỉ lộ diện khi mực nước hồ hạ thấp. Các kiến tạo điển hình nhất được biết đến xuất hiện tại Hồ Abhé (Djibouti) (Waltham, 2005). Rất nhiều kiến tạo có độ cao tới hơn 20m.
Các thành tạo hình thành trong môi trường hang động có đặc trưng của tháp dạng từ được gọi là nón phun (geysermites). Hiện tại chỉ có duy nhất một mặt cắt ngang cấu trúc một nón đá vôi trong hang cho thấy phần nhân rỗng với các nhánh hướng thiên là cấu trúc thường thấy trong tháp đá vôi dạng tuf, hay nón phun.
Cho tới nay, các cấu trúc dạng nón trong hang là ví dụ duy nhất đại diện cho các dạng kiến tạo tương tự ở Việt Nam, tuy nhiên những phát hiện mới về các hang động chính cùng các kiểu thành tạo đá vôi đẹp mắt vẫn tiếp tục trở thành điểm nhấn đáng chú ý về địa hình núi đá vôi ở Quảng Bình.
Theo Oxalis Adventure